Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 Trần Minh Đức thông tin thêm, theo quy định về đăng kiểm, một con tàu trong quá trình đóng mới được đơn vị đăng kiểm giám sát thi công để bảo đảm đóng theo đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt. Sau khi tàu được đưa vào hoạt động sẽ phải tuân thủ việc kiểm định định kỳ, trong đó có hình thức lên đà để kiểm tra, đối chiếu toàn diện giữa thực tế tàu so với thiết kế.
Về phía chủ tàu, ông Lê Văn Tòng, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Ka Long cho biết, hoàn toàn đồng tình việc kiểm tra kỹ càng của đơn vị đăng kiểm. “Việc Cục Đăng kiểm VN, Chi cục Đăng kiểm số 15 phát hiện ra sự sai khác của tàu so với hồ sơ thiết kế ban đầu, giúp chúng tôi kịp thời yêu cầu cơ sở đóng tàu khắc phục, sửa chữa, bổ sung các hạng mục còn thiếu trong thời gian bảo hành của nhà sản xuất”, ông Tòng cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, ngay sau khi được chủ phương tiện yêu cầu, cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH Tân Viễn Đông (TP. HCM) lập tức cử bộ phận kỹ thuật tới Quảng Ninh để phối hợp với chủ tàu khắc phục các khiếm khuyết, đồng thời giải trình với Cục Đăng kiểm Việt Nam về vụ việc trên. “Các hạng mục trên được thay đổi sau khi đăng kiểm viên của Chi cục Đăng kiểm số 6 (địa bàn nơi tàu đóng mới - PV) kết thúc kiểm tra tại nhà máy. Tuy nhiên, chúng tôi đã thiếu sót khi không làm bản vẽ hoán cải cho các hạng mục trên”, đại diện cơ sở Tân Viễn Đông thừa nhận.
Có ảnh hưởng đến an toàn?
Vấn đề đặt ra là những hạng mục bị đặt sai vị trí liệu có ảnh hưởng đến an toàn của tàu trong quá trình vận hành? Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm VN) cho biết: “Sau khi các tàu trên bị phát hiện có sự thay đổi, Cục đã chỉ đạo Chi cục Đăng kiểm số 15 và Chi cục Đăng kiểm số 6 (đơn vị giám sát đóng phương tiện) cùng cơ sở đóng tàu tính toán, thử nghiệm và đối chiếu so với tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Kết quả là phù hợp với quy chuẩn, không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện”.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đơn vị đã cho phép đơn vị thi công lập các thiết kế sửa đổi, thẩm định và hoàn chỉnh lắp đặt các hạng mục, chi tiết kỹ thuật theo đúng thiết kế sửa đổi.
Liên quan đến việc tự ý thay đổi vị trí đặt két dầu, theo giải trình của cơ sở đóng tàu Tân Viễn Đông, khi đưa tàu vào chạy thử thì phần lái tàu hơi chìm dẫn đến phần mũi nâng cao khiến người lái tàu khó quan sát. Vì vậy, việc dời két dầu về phía trước dưới khoang hành khách để giảm độ chìm của phần lái. Tương tự, thay đổi nơi đặt máy phát điện để cân bằng tàu và thuận lợi hơn cho việc bố trí đường pô thoát của máy chính; còn việc thay đổi ống bao chân vịt nhằm giảm lực cản của tàu. Đại diện cơ sở này cũng khẳng định, hơn một năm qua các phương tiện hoạt động tốt và hiện vẫn trong thời gian bảo hành.
Tuy vụ việc trên không gây mất an toàn phương tiện, nhưng theo ông Đỗ Trung Học, cơ sở đóng tàu đã vi phạm quy định về đóng, kiểm định chất lượng phương tiện. “Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo Chi cục Đăng kiểm số 6 kiểm tra, đánh giá và báo cáo cục để có biện pháp chấn chỉnh cơ sở đóng tàu Tân Viễn Đông trong việc chấp hành các quy định về đóng mới, đăng kiểm phương tiện thủy”, ông Học cho biết hướng xử lý.
Còn theo lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 6, rút kinh nghiệm từ vụ việc này, đơn vị đã quán triệt lực lượng đăng kiểm viên nâng cao trách nhiệm trong quá trình giám sát tàu đóng mới, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp thực tế tàu sai khác so với thiết kế được duyệt.