Phân tích về bước chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong 5 năm liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử (trong đó 96% là doanh nghiệp khu vực tư nhân).
Tỷ trọng các doanh nghiệp có quy lớn, vừa, và nhỏ có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm: Tỷ trọng của nhóm doanh nghiệp quy mô lớn trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2018 chiếm 2,8%, tăng 0,4% so với năm 2016 (2,4%); doanh nghiệp vừa chiếm 3,5%, tăng 1% so với năm 2016 (2,5%), nâng tổng tỷ trọng doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn từ 4,9% năm 2016 lên 6,3% năm 2018.
Ngược lại, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng tăng từ 25% lên 30,8%, trong khi nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ tỷ trọng giảm từ 70,1% xuống còn 62,9%.
Nhìn nhận về sự phát triển kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn và đã tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao...
Theo thống kê, hiện có 9/29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD thuộc khu vực tư nhân (Vingroup, FLC, Masan, Vietjet, Trường Hải, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát).
Đồng thời, tỷ trọng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong các ngành nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản có xu hướng giảm so với tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong khi bình quân số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2016-2018 trong những ngành chế biến chế tạo, khoa học và công nghệ tăng.
Đây là dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa.